+ Đắt tiền so với một số gia đình.
+ Bất tiện và làm xấu đi cho một số người có dáng hình không đep.
+ Rất bất tiện trong các sinh hoạt năng động và hồn nhiên của lứa tuổi mới lớn.
+ Hiêu quả ngược lại khi gặp trời mưa hay đường bẩn, ngày hành kinh…
+ Áo ôm sát người đôi khi trở thành “sexy” quá và dễ trở thành trò đàm tiếu cho các nam sinh.
Do vậy vẫn cứ nên giữ vẻ đẹp của áo dài trắng học sinh nhưng chỉ nên quy định vào một số ngày nhất định trong tuần, tháng, năm học như ngày đầu tuần, thi kiểm tra, tổng kết, lễ hội v.v… thì phù hợp hơn và để học sinh chuyên tâm đến chuyện học hành nhiều hơn”.
Bạn đọc ký tên Tri đưa thêm những điều bất tiện:
+ Không thích hợp trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như ở TP.HCM (quanh năm nóng và ẩm).
+ Sự mất tập trung không đáng có vào chiếc áo dài có thể làm ảnh hưởng đến sự thu nhận kiến thức của các nữ sinh.
Thư bạn Nguyễn Hữu Lịnh ở Hùng Vương, Tam Kỳ, Quảng Nam: “Tôi đánh giá cao bài viết của một bạn học sinh lớp 9 về vấn đề này . Tuy mới học lớp 9 nhưng bạn đã có những suy nghĩ rất chín chắn. Tôi là một nam giới và đã trải qua thời học sinh, sinh viên khá lâu nhưng tôi vẫn còn nhớ rất rõ những than phiền của các bạn nữ sinh khi phải mặc áo dài đến trường. Đồng ý rằng, đây là bộ trang phục truyền thống của nữ sinh Việt Nam, và chúng ta không có quyền thay đổi hay đánh mất nó. Nữ sinh đến trường rất duyên dáng trong trang phục áo dài, nhưng mục tiêu lớn nhất của giáo dục không phải là trang phục thật đẹp mà ở chất lượng công tác giáo dục. Tôi đang công tác ở tổ chức nước ngoài, có điều kiện tiếp xúc và hiểu biết về nền giáo dục của các nước bạn. Tôi nhận thấy rằng họ không quan tâm nhiều đến vấn đề đồng phục cho học sinh, học sinh thích mặc gì cũng được miễn là gọn gàng, lịch sự, thoả mái trong học tâp. Trong khi đó chất lượng giáo dục của họ cũng đâu thua kém chúng ta. Thiết nghĩ chúng ta nên quy định nữ sinh chỉ mặc áo dài vào thứ hai đầu tuần để tham dự chào cờ, còn lại tất cả các ngày trong tuần thì mặc quần xanh áo trắng, bỏ áo vào trong quần . Như vậy, chúng ta vừa giữ được truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa tạo sự thoải mái trong học tập, sinh hoạt cho các bạn nữ sinh”.
Với cách nhìn nhận áo dài gây rất nhiều bất tiện: từ việc phải mất nhiều thời gian để giặt, ủi, giữ sạch; gây khó khăn trong đi lại; gây khó chịu khi phải ngồi học lâu trong điều kiện thời tiết nóng bức, lớp học đông học sinh, chỗ ngồi chật chội, không đủ quạt gió…; thêm nữa đầu tư cho áo dài lại tốn kém (vải, công may đắt, còn phải thêm phụ trang đi kèm như áo lót, giày dép…), gây khó khăn cho những gia đình kinh tế eo hẹp… thư các bạn Lê Thị Đào, Hong Tam, Phạm Thị Phương Lan, Nguyen Thi Anh Thy (ở ấp Tân Mỹ, P.Bửu Hòa, Biên Hòa, Đồng Nai), Chau Phung Hiep (ở Bảo Lộc, Lâm Đồng), Nguyễn Minh Bảo Ngọc, Dương Văn Sơn, Nuyễn Văn Tùng (ở Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội), Lương Hồng Quang(ở Trần Duy Hưng, Hà Nội), Tong Thanh Nguyen (ở Bà Triệu, Hà Nội), Hiệp (ở Q.Tân Phú, TP.HCM), Le Phuong Khanh, Hà Văn Thọ (ở Bình Sơn, P.Bắc Sơn, TX Sầm Sơn, Thanh Hóa), Tu Chi (ở Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM), Khong Thi Kim Hoa (ở Trường PTCS Bình Đa, Biên Hòa, Đồng Nai), Trần Minh, Nguyen Thi Thuy Hien, Võ Thị Ngọc Ánh (ở lớp Báo in k23a2 HV Báo chí và Tuyên truyền) … tập trung đề nghị nên bỏ quy định lấy áo dài làm đồng phục nữ sinh hoặc quy định chỉ mặc áo dài vào những ngày lễ, ngày đầu tuần, còn những ngày thường thì cho nữ sinh mặc đồng phục giống nam sinh.
Ngược lại với loạt thư mang ý kiến trên, rất nhiều người đề nghị nên giữ quy định như hiện nay, với những lý do cũng thuyết phục không kém.
Đây là tâm sự của bạn Nguyen Minh Duc ở Điện Biên Phủ, Q.3 (TP.HCM): “Tôi đã ở cái tuổi ngoài 40, thời áo trắng đã xa lắc xa lơ rồi. Mỗi sáng, mỗi chiều trên đường đi làm tôi vẫn thấy ngẩn ngơ trước nhưng tà áo dài trắng của nữ sinh trung học. Tôi chạnh lòng nghĩ lại thời học sinh của mình với một thoáng bùi ngùi cám cảnh. Thời chúng tôi đi học đất nước còn khó khăn, cái ăn còn chưa đủ thì cái mặc là một nhu cầu thứ yếu, và mặc thế nào cho đẹp lại càng là loại xa xỉ. Chúng tôi đến trường với đủ loại quần áo miễn sao được lành lặn và giặt sạch sẽ (cũng có vài anh chàng lười biếng suốt tuần với một bộ cánh không giặt giũ gây khó chịu cho các bạn nữ). Các bạn học sinh bây giờ ăn mặc thật đẹp, nhất là các nữ sinh với chiếc áo dài trắng tha thướt tung bay trong nắng trong gió. Tôi nghĩ ấn tượng đẹp nhất đối với các du khách đến Việt Nam là cảnh các nữ sinh tan trường. Tất nhiên là mặc áo dài thì phải đi đứng nhẹ nhàng hơn, ý tứ hơn, và nhất là trong những ngày ấy phải hồi hộp lo lắng hơn… Nhưng tất cả những phiền toái nho nhỏ ấy không là gì so với vẻ đẹp kỳ diệu mà chiếc áo dài mang lại cho các bạn nữ sinh. Tôi nghĩ các nữ sinh nên hãnh diện trong tà áo trắng đến trường, chắc chắn sau 3 năm trung học bạn sẽ giã từ nó trong bùi ngùi luyến tiếc. Hãy tận hưởng cái hạnh phúc được mặc áo dài trắng đến trường thay cho rất nhiều thế hệ chúng tôi không có được”.
Bạn Huỳnh Thúc Ấn ở Đà Nẵng cũng cho rằng “Được mặc áo dài đến trường là một niềm kiêu hãnh và tự hào của người phụ nữ Việt Nam chúng ta. Sở dĩ các nước khác, nữ sinh mặc váy hay trang phục khác vì họ đâu có được bộ áo dài truyền thống đằm thắm dịu dàng như đất nước Việt Nam của chúng ta. Các bạn được mặc áo dài đến trường là các bạn đã trở thành thiếu nữ rồi đấy! Việc bắt buộc mặc áo dài khi đến trường PTTH là các thầy cô muốn nhắc nhở các bạn phải dịu dàng hơn. Tôi nghĩ trừ khi các bạn học các buổi học thể dục hay sinh họat ngọai khóa thì các bạn cũng chẳng có việc gì phải vận động nhiều đến mức cho rằng áo dài làm các bạn cảm thấy vướng víu. Còn những chuyện tế nhị khác, thì không riêng viêc mặc áo dài mà khi mặc các trang phục khác cũng đòi hỏi các bạn phải cẩn thận và để ý, vì mình là con gái mà!”.
Bạn Nguyễn Thị Thu Huệ có cùng suy nghĩ: “Áo dài là nét đặc thù riêng và độc đáo của dân tộc VN, từ muôn đời và cho đến bây giờ, áo dài được xem là cái hồn của người VN. “Tôi không được như các bạn, thời tôi đi học chỉ có quần xanh áo trắng, khi ra trường nhìn thấy các bạn mặc áo dài, cảm giác thèm được mặc áo dài lắm lắm. Mỗi khi đi ngang qua trường Lý Tự Trong, Nguyễn Văn Trỗi…, tôi thường đứng hoặc đi sau các bạn để được nhìn đàn cò trắng đang bay về tổ, líu lo trên đường phố. Nói vậy để các bạn cùng cảm thông và đừng cho việc mặc áo dài là chuyện quá khó và không phù hợp với mình. Các bạn chỉ có 3 năm ở nhà trường, không có gì phải suy nghĩ thêm. Nếu có ý kiến với Bộ Giáo dục tôi thống nhất việc mặc áo dài đối với nữ sinh trung học, nhưng có thể Bộ nên qui định chỉ mặc áo dài vào các ngày thứ 2, 3, 4, 5 còn các ngày thứ 6, 7 thì dành cho trang phục khác”.
Và đây là lời nhắn gửi tới các bạn nữ sinh của một hướng dẫn viên du lịch, một cựu học sinh Đà Nẵng – bạn VõThị Kim Trang: “Tôi muốn nói với các bạn nữ sinh rằng:các bạn đang ở vào thời đẹp nhất “thời áo trắng”, hãy nâng niu chiếc áo dài trắng bạn đang mặc, nó sẽ là một kỷ niệm không bao giờ phai đối với các bạn và nó cũng là một nét văn hóa Việt Nam đấy các bạn ạ!”.
Thư Bạn Le Phuong Khanh: “Là một giáo viên, theo nhận định của tôi thì việc mặc áo dài đến trường là một việc làm nên được duy trì. Vì từ xa xưa đất nước chúng ta đã có truyền thống như vậy. Khi các em học sinh nữ mặc đồng phục áo dài đi đến trường tôi cảm thấy các em thật dịu dàng. Các em học sinh ngày nay thường có những suy nghĩ sai lệch trong việc ăn mặc, cứ chạy theo phong cách ăn mặc thoải mái trong biết giữ gìn cái gọi là bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy theo tôi việc mặc áo dài đến trường của tất cả nữ sinh là vấn đề không cần phải bàn bạc. “.
Bạn Duyên – một học sinh lớp 9 trường Ngô Quyền, ở Q.Tân Bình (TP.HCM) bày tỏ: “Em nghĩ rằng áo dài là một truyền thống dân tộc, một di sản văn hóa của Việt Nam, vì thế em cảm thấy rất hãnh diện khi mặc chiếc áo dài đến trường. Những yếu tố khách quan khi mặc áo dài mà báo đã đề cập rất đúng nhưng em nghĩ chúng ta có thể khắc phục được nếu chú ý hơn, kỹ lưỡng hơn thì sẽ không có gì đáng lo ngại. Em thấy mặc áo dài vào trông bạn nào cũng như đẹp ra, dịu dàng và nữ tính hơn so với mặc quần tây áo sơ mi vì tà áo thướt tha sẽ làm cho các bạn trông gọn hơn mọi ngày. Ngoài ra, chiếc áo dài còn làm ngôi trường thêm đẹp, sáng hơn với màu trắng tinh khiết. Dĩ nhiên những cái gì mới cũng làm các bạn lo lắng, bỡ ngỡ nhất là thế hệ học sinh 8x của chúng em nhưng nếu chỉ nghe vài ý kiến mà bỏ việc mặc áo dài khi đi học vốn đã rất lâu thì thật không đúng. Theo em nghĩ có mặc áo dài thì các bạn mới yêu nó, từ đó sẽ thêm yêu đất nước mình hơn. Em mong rằng với ý kiến nhỏ bé của mình xem như là bào vệ cho chiếc áo dài mà em rất yêu quý”.
Cũng với cách nhìn nhận tương tự, các bạn Nguyen Hoa Binh hiện đang sống ở Cộng hòa Czech; Vivian Nguyen ở San Diego, Cali, USA; Nguyễn Thanh Tao Nhã; Lê Minh Quân ở Hòa Khánh, Liên Chiểu, Đà Nẵng; Kim Lý; Errand boy; Phan Thanh Nhan ở quận 1, TP.HCM; Lê Hà Ngọc Hân (du học sinh)… có ý kiến đề nghị các nhà quản lý không nên thay đổi quy định về trang phục của nữ sinh hiện nay và mong các bạn nữ sinh đừng vì những bất tiện nhỏ đánh mất cơ hội làm đẹp cho bản thân và cho xã hội.
Chúng tôi xin kết thúc bài tổng hợp thư bạn đọc này bằng bài viết của bạn Trần Ngọc Dương (ở ấp Bắc, xã Hoà Long, TX Bà Rịa (Bà Riạ Vũng Tàu). Những vấn đề bạn Dương đặt ra trong bài viết này, thiết nghĩ có thể phần nào giải tỏa tâm lý cho nhiều người và cũng rất đáng để các nhà quản lý quan tâm.
“Ý nghĩa và mục đích vận đồng phục
1 – Đồng phục là gì ?
Công an có bộ trang phục mà “nhìn là biết” ngay anh là công an. Thợ điện, công nhân… cũng có “dấu hiệu nhận diện” riêng. Tương tự như vậy, học sinh có bộ trang phục để làm “dấu hiệu nhận diện” riêng cho giới của mình. Đồng phục mang tính “qui ước” chứ không phải là “qui tắc”. Từ đó, theo tôi biết, Bộ GD cũng không hề có văn bản nào “bắt buộc tất cả nữ sinh phải mặc áo dài khi đến trường” (cũng không có trong điều lệ trường PT).
2 – Mục đích và ý nghĩa “đồng phục học sinh”
Khoảng vài năm gần đây, có thể vì kinh tế thị trường tác động vào nhà trường nên “nhà nhà kinh doanh, trường trường kinh doanh”, mà trong đó “đồng phục” là một trong những mặt hàng “kinh doanh” của các nhà trường. Đầu tiên là kinh doanh Đồng phục thể dục, sau đó là kinh doanh đồng phục. Ý nghĩa của đồng phục học sinh bị… Hiểu là một cách làm khó học sinh, gây khó khăn cho PHHS. Ý nghĩa của đồng phục học sinh bị khúc xạ qua nhiều lớp lăng kính và cũng không ai giải thích gì thêm cho PH và HS hiểu rõ vấn đề vì sao phải mặc đồng phục, và vì sao phải có phù hiệu nhà trường trong đồng phục. Để PH và học sinh vui vẻ chấp nhận đồng phục.
a. Mục đích của đồng phục: Việc trang bị đồng phục cho học sinh là một việc cần thiết trong “nhận dạng” học sinh trong sinh hoạt, học tập trong và ngoài nhà trường. Vào giờ học (như giờ hành chính), nhìn một thiếu niên (thanh niên) mặc đồng phục xuất hiện ở những nơi không phải trường học, người ta có thể nghĩ ngay đến tình trạng “cúp cua” và nếu là người có tâm huyết sẽ hỏi và nhắc nhở học sinh không nên làm vậy. Đối với học sinh, việc bỏ học sẽ bị hạn chế khi các em đang mặc đồng phục có phù hiệu nhà trường, tên học sinh, ký hiệu lớp học. Ngoài ra, đồng phục, phù hiệu còn có ích trong một số trường hợp như khi HS bị tai nạn trên đường, người đi đường có thể nhanh chóng báo với nhà trường nhờ những thông tin trên phù hiệu…
b- Áo dài và tác phong nữ sinh: Mặc áo dài (không nói về tính truyền thống cao xa làm gì) chỉ đơn giản thôi là thể hiện rõ “nữ tính” trong tác phong. Mặc trang phục áo dài giúp các em “tự nhận ra” mình đã lớn (với những đường nét đặc trưng của người nữ), từ đó các em sẽ chững chạc hơn trong suy nghĩ, ứng xử, sinh hoạt.
Nếu truy nguyên cao xa về tác dụng của áo dài thời xa xưa thì áo dài ngày xưa không chỉ dùng cho nữ. Quan lại ngày xưa, nhất là “quan văn” đều mặc áo dài, các “Văn nhân, hào hoa phong nhã” cũng mặc áo dài. Áo dài là bộ trang phục mang tính triết học và nhân văn rất cao, nó giúp cho tự rèn luyện cho mình phong thái điềm đạm trong suy nghĩ và ứng xử sao cho nhu hòa và có nhân cách và dũng khí nhất.
3- Từ hiểu biết đến tự nguyện thực hiện
Như vậy, thực chất vấn đề là cẩn phải hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của việc mặc đồng phục nói chung và đồng phục áo dài cho nữ sinh nói riêng. Vấn đề này, hình như chính cơ quan chủ quản là Bộ GD cũng chưa nghĩ đến, dẫn đến tình trạng vừa chưa thống nhất lại vừa bắt buộc vô điều kiện (không có giải thích), khiến phụ huynh và học sinh chưa thông, không đồng tình, thậm chí có ý kiến đối kháng. Nếu đã thông suốt thì tôi tin rằng mọi PH và học sinh (đứng đắn, nghiêm túc, có quan tâm đến con em và lợi ích cụ thể của bản thân, của xã hội) sẽ tự giác chấp hành một cách vui vẻ, dù rằng có chút khó khăn, bất tiện”.
TNO (tổng hợp)