TT – Cứ đầu năm học, phụ huynh lại than trời. “Con đi học đương nhiên cha mẹ phải mua đồng phục cho con. Nhưng cầm bộ đồng phục trên tay mà không khỏi băn khoăn”.
Nhiều phụ huynh chọn mua đồng phục bán bên ngoài do giá rẻ hơn. Trong ảnh: Mua đồng phục tại cửa hàng trên đường Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM – Ảnh: N.Hùng |
Bà L., phụ huynh học sinh lớp 1 Trường tiểu học LTV (Q.1, TP.HCM), ngán ngẩm nói như vậy về chuyện đồng phục của con.
Bà L. kể phải mua cho con ba bộ đầm nữ đồng phục với giá 215.000 đồng/bộ (đó là size số 7, còn size lớn nhất dành cho học sinh lớp 5 đến 310.000 đồng/bộ), hai bộ đồng phục thể dục với giá 190.000 đồng/bộ (riêng size lớn nhất dành cho học sinh lớp 5 giá 260.000 đồng/bộ).
“Tính tổng cộng tiền mua đồng phục của cháu mất 1.025.000 đồng nhưng chất liệu vải quá xấu, nhất là đồ thể dục bởi đây là loại vải rẻ tiền, không thể thấm hút mồ hôi. Mang mấy bộ đồ của con ra chợ hỏi mua thì họ nói váy liền áo màu xanh lá cây này không có sẵn, màu xanh đen và đen thì có.
Tôi đến một cơ sở chuyên may đồng phục hỏi giá thì thật bất ngờ, họ báo giá rẻ hơn giá ở trường đến 40.000 đồng/bộ. Bạn bè tôi nói cũng chất lượng vải tệ như vậy nhưng giá bên trường con của họ rẻ hơn.
Như đồng phục nữ Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền (Q.Gò Vấp) có giá 185.000 đồng/bộ gồm áo ngắn tay và váy, Trường tiểu học Đặng Văn Ngữ (Q.Phú Nhuận) có giá 180.000 đồng/bộ, Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5) giá 160.000 đồng/bộ” – bà L. băn khoăn.
“Con của chị mình học ở một trường tiểu học quốc tế, đồng phục rất đẹp, ấn tượng, chất liệu vải dễ thấm hút mồ hôi mà lại bền, bé mặc hai năm vẫn chưa hư, giá chỉ 187.000 đồng/bộ (dành cho học sinh nữ). Trong khi con mình học ở Trường tiểu học LTV, Q.1 – trường công lập – đồ xấu hơn, chất liệu vải dỏm hơn, đường may ẩu hơn mà giá 215.000 đồng/bộ. Sao các trường công lập không làm được việc này? |
Bà N.L. (phụ huynh Trường tiểu học LTV, Q.1, TP.HCM) |
Phụ huynh chọn mua đồng phục cho con em |
Áo ngủ, khăn quàng, balô cũng… đồng phục
Tương tự, bà T., có cháu học ở một trường tiểu học nổi tiếng tại Q.Gò Vấp, TP.HCM, kể: “Đồng phục để đi học thì không nói, đằng này cái áo thun để các cháu học sinh bán trú mặc ngủ trưa cũng phải là… đồng phục.
Ở trường của cháu tôi phải mua cho cháu ba bộ đồng phục áo sơmi trắng, quần soọc xanh, ba cái áo thun ngủ trưa, một bộ đồ thể dục, tổng cộng hết 770.000 đồng, trong đó áo sơmi giá 85.000 đồng/cái, quần short giá 80.000 đồng/cái, áo thun ngủ trưa giá 60.000 đồng/cái, đồ thể dục 95.000 đồng/bộ”.
Cho rằng trường bán giá cao quá, con trai bà đã mang những sản phẩm này đến Công ty may TH (Q.Tân Bình) và họ báo giá với số lượng hơn 10.000 cái là áo sơmi: 55.000 đồng/cái, quần short: 45.000 đồng/cái, áo thun ngủ: 40.000 đồng/cái, đồ thể dục: 80.000 đồng/bộ, giá này còn có thể thương lượng và sẽ giảm nếu đặt may số lượng cao hơn, đồng thời sẽ có chiết khấu cho người đặt mua.
Trong khi đó ở Trường tiểu học LVT, Q.Tân Phú, TP.HCM: “Đến cái khăn quàng đỏ phụ huynh cũng phải mua ở trường vì tên trường đã được in hẳn vào khăn quàng. Giá bán thì mắc gấp đôi so với giá ngoài chợ mà chất lượng vải rất tệ nên nó cứ xoăn như cái lò xo” – bà H., phụ huynh lớp 4, phản ảnh.
Tương tự, Trường THCS L (Q.Tân Bình) ngoài việc buộc phụ huynh phải mua quần áo đồng phục cho con em, họ còn phải mua cả balô vì balô cũng phải đồng bộ, in logo của trường lên đó. Bà M., phụ huynh lớp 6, thắc mắc:
“Giá bán balô tuy không mắc lắm nhưng con gái tôi không thích. Bởi trước đó tôi đã mua cho cháu một cái balô khác đẹp hơn, nữ tính hơn. Tôi không hiểu tại sao càng ngày các trường càng đặt ra nhiều quy định, đến cái balô mà cũng đồng phục nữa thì khổ cho phụ huynh quá”.
Đã vậy, đồng phục còn thay đổi liên tục khiến phụ huynh rất khổ sở. “Năm học trước (2014 – 2015) nhà trường quyết định thay đổi mẫu quần đồng phục thể dục của học sinh.
Thời tiết ở TP.HCM thường xuyên nắng nóng mà vải quần rất dày, mặt trong bằng nilông cực kỳ bí. Học sinh tiểu học rất hiếu động, chạy nhảy suốt ngày từ sáng đến chiều ở trường, ngủ trưa ở trường, mồ hôi đầm đìa mà không thoát được.
Thế nên mỗi chiều đón con về, người cháu tỏa mùi khó chịu” – ông M.T., phụ huynh Trường tiểu học TQT, Q.Tân Bình, than thở. Vậy mà năm nay trường con ông lại đổi mẫu đồng phục áo sơmi nữa. Trong khi đồng phục của năm trước con ông vẫn còn mặc được.
Đồng phục nữ Trường tiểu học quốc tế Á Châu giá 187.000 đồng/bộ – Ảnh: Như Hùng |
Chiết khấu có thể đến 40%
Tìm hiểu từ các nhà cung cấp dễ thấy giá cả chênh lệch khá nhiều so với giá bán ở các trường. Tại quầy bán đồng phục học sinh của chị Thanh, chợ Phú Nhuận (đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận), các mẫu đồng phục được may khá cẩn thận và đẹp: váy nữ may bằng vải siêu lụa rất mềm mại, nhẹ nhàng, áo sơmi nữ may bằng vải KT silk có thêu ở cổ áo và nẹp áo nhìn rất trang nhã, giá chỉ 110.000 đồng/bộ (loại váy liền áo giống như đồng phục nữ của Trường tiểu học LTV, Q.1), nếu lấy size lớn hơn thì thêm 10.000 đồng.
Đồ họa: Tấn Đạt |
Chị Thanh cho biết đồng phục nữ dành cho học sinh lớp 5 loại lớn nhất giá chỉ 160.000 đồng/bộ. Riêng với loại váy rời (mặc với áo riêng) được may khá cầu kỳ, có hai dây đeo trên vai thì giá mắc hơn: từ 140.000 – 170.000 đồng/bộ (cả áo).
Về đồng phục nam chỉ khoảng 100.000 – 130.000 đồng/bộ dành cho học sinh tiểu học tùy theo size (bao gồm quần short và áo sơmi).
Tương tự, ở chợ Cây Quéo (đường Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh), chúng tôi cũng ngạc nhiên với bảng giá đồng phục học sinh rẻ hơn so với giá trong trường học: áo nam size nhỏ nhất (lớp 1) giá 64.000 đồng, mỗi size cách nhau 6.000 đồng.
Quần soọc nam size nhỏ nhất giá 54.000 đồng, mỗi size chênh lệch 2.000 đồng. Váy đồng phục nữ size nhỏ nhất giá 112.000 đồng, mỗi size chênh lệch 20.000 đồng.
Theo chị Hường – Công ty may TĐ (Hà Nội), đồng phục học sinh có nhiều mức giá khác nhau tùy theo kiểu dáng, chất liệu sản phẩm cũng như số lượng đặt hàng. Mức chiết khấu cho mỗi hợp đồng từ 10 – 15%, nếu số lượng lớn chiết khấu có thể lên đến 40%. Mặt khác, trong hợp đồng cũng có thể ghi mức giá theo đề nghị của bên đặt hàng.
Chị Phương, chủ một xưởng gia công đồng phục học sinh lớn tại TP.HCM, cho biết thường thì từ đầu năm học này đã rục rịch chuẩn bị hợp đồng cho năm học tới.
Chất liệu vải các trường thường chọn cho đồ thể dục là thun PE, thun cào có giá rất rẻ và loại vải này rất kém, trẻ em mặc rất khó chịu, nóng và không thấm mồ hôi.
Thậm chí một chủ doanh nghiệp may mặc còn chia sẻ: “Khác với các mặt hàng thời trang, đồ đồng phục học sinh, đặc biệt đồng phục cho các trường công lập không lo lỗi mốt. Về chất lượng cũng ít trường đòi hỏi cao nên nhiều doanh nghiệp may mặc tập trung vào phân khúc này.
Chạy được những hợp đồng gia công đồng phục học sinh là chúng tôi an tâm về doanh số”. Chủ doanh nghiệp này còn cho hay một số doanh nghiệp không có xưởng may thì lo kiếm hợp đồng sau đó đưa cho các xưởng bên ngoài gia công từng công đoạn như cổ áo, thân áo, nhuộm, in phù hiệu trường…
Do đó, các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau gay gắt về giá cũng như tìm mọi cách “lấy lòng” lãnh đạo các trường.
Đồng phục nữ Trường tiểu học công lập LTV, Q.1, TP.HCM có giá 215.000 đồng/bộ – Ảnh: Như Hùng |
Chất lượng quá tệ
Không những giá cả mà bức xúc nhiều nhất của phụ huynh là về chất lượng đồng phục. Bà T. phân tích:
“Tôi cứ nghĩ nhà trường đặt mua với số lượng nhiều giá sẽ giảm hơn so với ngoài chợ. Thực tế thì ngược lại. Đã vậy đường may xiêu vẹo, mũi chỉ thưa, đường vắt sổ lỏng lẻo, những sợi chỉ thừa dài loằng ngoằng chỉ rút nhẹ là tuột hết chỉ.
Quần thể dục làm bằng chất liệu gì không rõ, mỏng nhưng cứng ráp như được dệt bằng những sợi nilông, cả áo thun, áo sơmi, quần cũng được may bằng chất liệu vải mỏng pha nhiều nilông chất lượng rất kém”.
Riêng bà M., phụ huynh lớp 1 Trường tiểu học C, Q.10, lại kể: “Tôi không quan tâm lắm đến giá cả xem nó mắc hay rẻ nhưng thật sự cả mẹ và con đều rất khó chịu với chất lượng của sản phẩm. Bé mới đi học được ba ngày thì quần đã rách toạc ở đáy.
Đem ra thợ thì họ cười, nói tôi chưa có kinh nghiệm, đồng phục học sinh khi mua ở trường về phải đem đi may lại một lượt rồi mới mặc được chứ”.
Chuyện của bà M. cũng là nỗi lòng của ông M.T.: “Bé nhà tôi đi học mà áo bị rớt nút, bung nách, quần rách đáy… là chuyện thường ngày.
Dù có may lại thật kỹ thì tình trạng quần rách đáy vẫn thường xuyên xảy ra vì nhà cung cấp tiết kiệm vải, may đáy quần rất chật…”.
43 Bình luận. Leave new
Phụ huynh ráng chút nữa đi, còn đôi dép nữa là đồng phục từ đầu đến chân
Không những “đồng phục từ đầu tời chân” mà còn “từ trong ra ngoài”: sách vở phải bọc đúng cách, đúng màu, bút viết phải cùng một loại bút… Chỉ khổ phụ huynh và học sinh.
Thưa với bạn rằng, dép chưa có quy định đồng phục nhưng giày thể dục thì đã được yêu cầu phải giày bata trắng. Con nít không biết giữ gìn nhưng phải trắng mới được. Mình thì mong đồng phục các trường công lập là áo thun như các trường tiểu học quốc tế. Trời Saigon nóng nực, con nít chạy nhảy nhiều lại không biết giữ nên áo thun là hợp lý nhất.
Ngoài Hà Nội còn đồng phục áo khoác mùa lạnh nữa kìa!
Có trường đồng phục gồm cả giày, balô, quần áo. Chẳng biết bao giờ mới quay lại thời áo sơ mi trắng quần tây xanh đen cho phụ huynh đỡ khổ. Riết rồi đến cả giấy bao tập mình cũng không dám
Chuyện này có đã lâu, có lẽ nhà trường kiếm thêm thu nhập từ những bộ đồng phục của học sinh ?
“Có lẽ” gì nữa, phải là chắc chắn luôn chứ. Mà không chỉ đồng phục thôi đâu, nào là tiền ăn, tiền học các môn phụ đạo, tiền đi tham quan……. Làm giáo dục giờ sướng thật. Kinh doanh trên ví tiền phụ huynh.
Nên cho chào hàng, đấu thầu, cạnh tranh cung cấp đồng phục cho học sinh một cách công khai tránh giá đội lên vì phải chung chi…
Cám ơn báo Tuổi Trẻ đã nói lên nỗi lòng của phụ huynh vào mùa khai giảng. Dân thì nghèo, tiền trường thì quá nặng. Xin Bộ Giáo dục cấm các trường bán đồng phục, chỉ thông báo toàn quốc học sinh mặc quần, váy xanh áo trắng. Như vậy rất tiết kiệm. Người giàu mua đồng phục vải sang, nhà người nghèo mặc lại đồ cũ năm ngoái, hay anh chị để lại cho em. Anh chị học trường này có thể để lại đồng phục cho em học ở trường khác.
Con nhà tôi cũng mua 2 bộ đồng phục, tôi thấy giá thì đắt chất lượng vải may và chỉ may rất tệ, vải thì toàn chất liệu nilông mặc rất nóng. Tôi cho rằng, nhà cung cấp và BGH các trường đang thông đồng làm tiền cha mẹ học sinh mỗi mùa tựu trường. Tôi không biết khi nào thì hiện tượng này chấm dứt, nhưng chắc chắn là tôi và các bậc phụ huynh sẽ còn phải chịu cảnh này thêm một thời gian nữa. Vì xã hội này sờ đến cái gì nó cũng đều như thế hết, cứ còn cảnh chạy chức, chạy quyền dùng bằng tiền thì còn cảnh này dài các mẹ nhé.
Chẳng hiểu giáo dục con em là trọng hình thức về ngoài hay kiến thức con em nhận được mà cứ năm nào cũng ầm ầm cái chuyện đồng phục? Thậm chí có nơi không cho học sinh lớp 6 cắt đầu đinh. Áo sơ mi trắng lớp 5 còn dùng được nhưng có 2 túi thì không cho sử dụng lại. Mấy ông mấy bà cũng có con sao không đặt mình vào những gia đình nghèo để có những chính sách phù hợp nhưng vẫn văn minh.
Đi học mặc đồng phục là đúng, nhưng nhà trường đừng bẻ cò, phụ huynh còn nghèo lắm, họ chạy ăn từng bữa. Hãy xót thương họ, họ đã cố gắng chi li để con cái đến trường.
Con tôi học trường Nguyễn An Ninh quận 12 còn phải mua từ đầu tới chân là đồ nhà trường cung cấp cụ thể như sau; đồng phục 240.000/bộ. Đồ thể dục 140.000/ bộ. Giày 170.000/đôi. khăn quàng 10.000 /cái, tất cả đều chất lượng hàng Đông Âu. Nản cho giáo dục Việt!
Chuyện đồng phục cũng như những quy định vô lý cả chục triêu dân Việt Nam biết mà bộ và sở mắt nhắm, tai che, miệng dán hết cho nên phụ huynh mới khổ. Hồi xưa tôi đi học trường chỉ quy định đồng phục là cha mẹ muốn mua đâu cũng được. Chỉ cần mua phù hiệu của trường về may vào là xong. Nay các trường bày đặt vẽ vời để ăn cho ngập mặt. Hết nói!
Mỗi trường mỗi kiểu đồng phục, vẽ rồng vẽ rắn bắt phụ huynh đóng tiền mà chất lượng thì tệ.
Dựa vào bảng đồ họa và thông tin của TT, tôi cho rằng nếu một trường đặt may đồng phục với số lượng lớn và chất liệu rẻ tiền hơn so với hàng chợ, thì con số chênh lệch 40% vẫn còn khá khiêm tốn!!!
Rất lấy làm tiếc. Một số trường trong TP đã cố tình tạo ra kiểu đồng phục để các phụ huynh phải mua ở trường vải chất lượng vô cùng kém. Vải thì kém chất lượng, may cắt thì không thể chấp nhận được. Không biết lãnh đạo sở có biết ko khi họ chỉ đưa ra quy định là các trường ko được bắt học sinh phải mua đồng phục. Nhưng thực tế thì các trường ko ép HS mua nhưng mỗi trường có kiểu đồng phục riêng và phù hiệu riêng, nên gần như phụ huynh phải lựa chọn mua ở trường vì cũng rất phức tạp khi phải may và in phù hiệu theo quy định của trường.Tôi đề nghị sở nên có quy định chung như áo trắng hoặc màu ngắn tay, có phù hiệu của từng trường khác nhau và là loại bán riêng dán nên áo, quần hoặc váy xanh. Như vậy phụ huynh có thể mua vải may hoặc mua may sẵn ở những nơi uy tín sau đó dán phù hiệu của trường là được. Còn nhà trường cũng có bán nhưng phải bảo đảm chất lượng và hình thức chứ như hiện nay thì có lẽ là xấu đi bộ mặt của trường nếu xét riêng về đồng phục. Thiết nghĩ các vị có trách nhiệm ở sở GD và ở các trường phổ thông nên quan tâm đến vấn đề này chứ đừng làm ngơ mà ảnh hưởng đến uy tín của ngành GD nước nhà vốn đang cố gắng lấy lại uy tín.
Đủ cách ăn tiền 1 cách quá đáng !!! Đồng phục thì đẹp nhưng không thể làm tiền 1 cách ép buộc thế được. Đã thế chất liệu vải lại không ra gì nữa thì ai mà chịu được !!!
Hiệu trưởng nào có tâm thì bộ đồng phục tốt hơn một chút, rẻ hơn một chút. Bây giờ ai mà không biết chuyện % hoa hồng của các nhà cung cấp. Nên nhìn bộ đồng phục và giá của nó là có thể đánh giá được hiệu trưởng của trường đó như thế nào.
Con tôi sắp hơn 2 tuổi, tôi muốn tìm một trường không bắt mặc đồng phục mà không tìm ra. Tuy còn bé, nhưng cháu đã có gu thẩm mĩ riêng, biết chọn giày dép, quần áo theo ý thích của mình. Tôi không hiểu các trường học ở ta, từ lớp bé đến lớp lớn, đều gò bó các cháu vào những bộ đồng phục tẻ nhạt, như thế có khác gì nuôi gà công nghiệp? Nên chăng chỉ đề ra một vài chuẩn mực tối thiểu để phù hợp với văn hoá Việt và phép lịch sự xã hội, còn nữa hãy để các “búp trên cành” có nhiều không gian tưởng tượng hơn!
Trong lúc chờ đợi sự “thức tỉnh” từ các ông bà này thì mình hãy giúp các gia đình còn khó khăn khỏi phải mua đồng phục giá đắt. Chúng ta hãy lập fanpage theo trường rồi vận động phụ huynh tặng đồng phục cũ không còn dùng rồi tổ chức giặt ủi, đóng gói rồi tặng cho các em thuộc diện gia đình khó khăn. Hàng năm tôi tự làm bằng cách giặt ủi sạch sẽ rồi bỏ vô túi nylon mang theo trong lúc đưa con đến trường. Tìm thấy đối tượng rồi tế nhị “tôi không phải dân địa phương nên không rành. Anh, chị biết ai cần thì cho họ giùm tui. Con tui không mặc vừa nữa”.
Thứ nhất: đồng phục học sinh chỉ nên quần xanh đen, áo trắng thống nhất, phù hiệu và nhãn tên dùng để phân biệt trường nọ trường kia. Không chỉ là sạch đẹp mà còn tiết kiệm cho gia đình và xã hội, cơ hội để các học sinh nghèo, vùng cao có quần áo đồng phục quyên góp từ thành phố, thị xã bởi hóc sinh ở đó thường có 5 bộ cho 5 ngày nên cuối năm vẫn gần như mới nguyên. Để đảm bảo sức khỏe (rút mồ hôi, dễ giặt ủi và không gây ngứa, dị ứng đặc biệt là tiểu học bán trú cả ngày) phải Bắt buộc sử dụng vải có ít nhất 35 – 50% cotton. Tình trạng bát nháo và chất lượng kém, nguy hại cho các cháu là vải ni-lông 100%, yêu cầu gia cố đáy quần (may 2 đường chỉ) và đơm khuy, nút chắc chắn” là đủ. Tại sao cứ để các BGH tự “sáng chế” gây phiền toái, tốn kém, tiêu cực? Có chừng đó mà năm nào cũng lên báo, than thở, tốn tiền và tiêu cực.
Đề nghị Bộ giáo dục cấm các trường Quy định đồng phục. Cái gì cũng đồng phục, từ quần áo, sách vở, balo… Hãy để phụ huynh và học sinh chọn những gì phù hợp với con em họ. Chọn trang phục cũng là cách giúp các em học hỏi nhiều điều. Đừng làm hỏng môi trường giáo dục, sự thiêng liêng ngày khai giảng vì mấy đồng bạc lẻ.
Mấy thầy cô ở các trường chia chác nhau tiền đồng phục của các em hết rồi, lấy đâu ra đồng phục đạt chất lượng!
Chuyện đồng phục học sinh còn rục rịch lên xuống chưa giải quyết triệt để thì đừng nói đến cải cách giáo dục toàn diện nữa mấy bác cục trưởng, bộ trưởng à. Còn số tiền dư để các trường xây dựng quỹ nữa vậy mà phụ huynh cũng thắc mắc
Mình cũng đang trong tình trạng này. Cuối năm ngoái khi họp phụ huynh cuối năm cô giáo nói sang năm học mới các em học sinh sẽ mua áo đồng phục ở trường vì phải in logo nên phụ huynh nên mua tại trường (riêng quần tự may). Mình mua cho con 3 áo sơ mi với giá 90.000đ/áo. Thực sự mà nói với số tiền ấy bao gồm cả tiền vải và công may là không hề đắt, nhưng họ may quá ẩu, đường may thưa và nhăn nheo vì không được là ủi, ngày đầu tiên con đi học khi mẹ đón về cháu nói : Mẹ ơi áo con rơi hết nút rồi, từ đầu giờ chiều tới giờ con phải ngồi im một chỗ vì sợ các bạn nhìn thấy bụng của con. Mình hỏi con giỡn với bạn bị bạn kéo áo à? Con nói: không, con ngủ trưa dậy, thay đồ xong con vuốt cho vạt áo phía trước thẳng vậy là rơi hết nút áo. Hôm sau đón con thì áo lại rách ở nách…Trong khi hai năm trước mình tự may đồ cho con, cháu mặc có khi hai năm liền một cái áo vì vẫn mặc vừa áo của năm trước nhưng không hề có chuyện này Tôi không lên án các thầy cô, những người đã chọn mua sản phẩm cho các cháu mà chỉ cần họ chọn những nơi gia công may mặc họ làm cẩn thận và chắc chắn dù giá cả có cao hơn một chút mình vẫn vui vẻ chấp nhận, còn kiểu này thì… sang năm mình sẽ tự may và in logo lên là xong. Nản.
Nói chung là tất cả phải đồng phục, tập, sách, bút, viết, đồ dùng học tập cha mẹ có chuẩn bị sẵn thì vào lớp GV cũng bắt phải mua theo đúng mẫu của nhà trường.Tôi mong vấn đề này, các cấp lãnh đạo xem xét và thay đổi. Cần chất lượng dạy và học, những vấn đề này đừng đặt nặng cho PHHS mỗi đầu năm học chỉ thêm gánh nặng cho họ mà thôi.
Sau mâý năm con tôi đi học bây giờ tủ quần áo của cháu đã chật kín những bộ đồng phục mặc dù chúng vẫn còn rất mới có thể mặc lại vì con tôi không lớn nhưng mỗi năm nhà trường lại thay đổi 1 mẫu nên không thể tận dụng buộc phải mua bộ mới trong khi những bộ kia không thể làm gì, tôi thấy cũng là một sự lãng phí
Nên bỏ kiểu “hình thức” đi Bộ GD ơi! Nên học theo một số nước phát triển như Đức chẳng hạn, họ đâu cần đồng phục mà chất lượng giáo dục thì luôn hàng đầu thế giới? Nếu ở Việt Nam học sinh cần đồng phải có đồng phục thì nên chăng, mỗi trường vào đầu mỗi năm học cần đưa ra mẫu các loại đồng phục cho học sinh rồi yêu cầu phụ huynh mua hoặc may theo mẫu là tốt nhất, tránh lãng phí cho dân mà cũng khỏi mang tiếng các thầy cô và ngành giáo dục.
Mong bộ giáo dục, các cơ quan có liên quan, đề nghị các trường không bán đồng phục học sinh, vì đúng là mắc, quá xấu và chất lượng vải rất tệ!Thiết nghĩ, chỉ cần ban hành quy định các học sinh đi học sẽ mặc áo trắng quần hoặc váy xanh là tiêu chuẩn chung cho tất cả các trường là quá tốt. Rất thuận lợi cho các phụ huynh và các cháu. Nhà trường chỉ cần in và bán phù hiệu của trường là đủ rồi!Ngày xưa, chúng tôi đi học chỉ cần áo trắng quần xanh, tùy nhà mua hoặc may theo điều kiện khác nhau. Nhưng vào sân trường vẫn rất đẹp và nhìn đồng bộ rất học sinh. Ngày nay các trường quy định đủ kiểu đủ màu. Thật sự vải thì nóng, màu sờn cũ, tước chỉ tùm lum! Mong rằng Bộ và các ban ngành liên quan để tâm tới chuyện rất nhỏ nhưng cũng ảnh hưởng lớn này!
Ép người quá đáng, nhà trường này bày đủ trò để móc túi phụ huynh. Ở Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ, các cửa hàng ngoài bán đồng phục học sinh tiểu học size từ số 4 – 7 giá bán giao động từ 130.000 – 160.000 đồng/ bộ vải tốt. Làm gì mà có vụ bắt buộc phải balô và thứ khác. Đề nghị Sở GD-ĐT phải kiểm tra lại các trường này.
Một bức xúc nhỏ bé như chuyện tham nhũng trong giáo dục qua hình thức như ép phụ huynh mua đồng phục do nhà trường bán mà Bộ không quan tâm, không giải quyết chứng tỏ Bộ Giáo dục không sâu sát với tâm tư nguyện vọng của phụ huynh và học sinh. Xin Bộ điều tra bất kỳ một trường nào đó xem thử giá thành của một bộ đồng phục, cặp, khăn quàng … của HS nhà trường chia chát với nhà thầu là bao nhiêu, cách chức hiệu trưởng.
Trường tôi là trường THCS nhưng đồng phục chỉ có 90.000 đ/1 bộ. Hầu hết các em mặc 4 năm.
Kỳ nầy chắc đi vay ngân hàng mở xưởng sản xuất đồng phục học sinh là ăn chắc, mỗi năm mỗi thứ 2 bộ là kiếm bộn tiền, được cái mỗi trường một kiểu tha hồ mà vẽ vời, vung tay thiết kế, thay đổi mẫu mã hàng năm không cho phụ huynh kịp thở. Ta sống khỏe.
Các trường móc nối với các nhà may để rồi cái gì cũng đồng phục hóa cho học sinh, khiến cha mẹ học sinh phải mua từ sách bút tới quần áo, giày dép.
Bộ Giáo dục của Việt Nam nói gì về những khuất tất trong việc quy định đồng phục của học sinh trong khi vào đầu năm học phụ huynh phải lo bao nhiêu là tiền giờ lại còn đồng phục theo từng trường nữa, thử hỏi nhiều phụ huynh lo chạy cơm ngày hai bữa thì lấy đâu ra tiền đóng cho con nhập học năm mới đây. Rất mong các đại biểu Quốc Hội thảo luận vấn đề này để cho con em chúng ta đi đến trường trong một tâm trạng thoải mái với chiếc áo trắng quần (váy) xanh của tuổi học trò đáng yêu nhưng chất lượng bắt buộc phải tốt.
Qua sông thì phải lụy đò ! Đồng phục do ai chỉ đạo? BGH thích thì phải chiều. Đồ đồng phục giá cao, chất lượng kém là phải vì nhà cung cấp phải trích lại cho BGH, đồng phục chỉ dùng một năm sang năm mua mới. Không kể sang năm hiệu trưởng mới à thay đồng phục khác. Tệ nạn của ngành giáo dục mà hô hào không ai dẹp được.
Chắc nay mai phụ huynh đi dự lễ ở trường, đi họp phụ huynh cũng phải mang đồng phục nữa đó?
Mua đồng phục ở trường là chuyện xưa như trái đất, có trường tiểu học ở Q.3 còn bắt buộc mua tập của trường bán nữa kìa. Một chồng tập chỉ có 8 cuốn thôi, không mua không được vì có in hình trường ngoài bìa. Cũng phải cắn răng mua chứ biết làm sao. Con mình đi học chẳng khác con tin của nhà trường.
Vấn đề đồng phục , không phải chuyện của GV, bạn đừng bảo tăng lương này nọ là xúc phạm đấy nhé
Trường học vẫn có thể giới thiệu đồng phục của những nơi may có hợp tác với nhà trường để phụ huynh lựa chọn, bên bán được hàng chiết khấu phần trăm cho nhà trường bằng tiền lời của mình nhưng giá bán thậm chí phải rẻ hơn ở ngoài và chất lượng tốt hơn đạt chuẩn theo yêu cầu. Vì số lượng bán nhiều nên trích lợi nhuận giúp nhà trường có thêm kinh phí dùng vào sửa chữa bàn ghế hay những khoản phí hợp lý cũng là điều tốt. Khi sản xuất hàng loạt thì sản phẩm giá thành rẻ hơn là đúng rồi. Nhưng cần mẫu mã đơn giản, vật liệu tốt với nhu cầu và tính năng động của các cháu.
Dường như các trường học ở VN nói chung và các trường ở quận nội thành nói riêng chỉ dành cho học sinh con nhà giàu và đủ điều kiện, vì nếu nhà nghèo thì làm sao có tiền để chạy đua theo đồng phục của nhà trường thay đổi theo mỗi năm học. Ngoài tiền đồng phục, phụ huynh còn phải lo tiền sách vở, học phí đầu năm, và các khoản linh tinh khác. Ngày trước đi học, đồng phục đi học còn có thể mặc cho 2 năm.Còn bây giờ chỉ năm trước năm sau thôi đã thành nùi giẻ vì đâu thể mặc lại được nữa…hichic….
Nếu có ai đó đứng ra làm kiến nghị, kêu gọi cộng đồng phụ huynh lên tiếng với Bộ Giáo Dục, với Nhà nước về những vấn đề này, có thể hy vọng thay đổi chút gì chăng? Giáo viên không phải ai cũng đồng tình chuyện đồng phục quá đáng đâu. Là phụ huynh, ức chế khủng khiếp với những qui định thiếu tình người như vậy.