TTO – Những thay đổi về đồng phục của nhà trường (nếu có) chỉ quy định với các học sinh đầu cấp học, tránh các đồng phục cầu kỳ, phức tạp và không được bắt buộc học sinh phải mua đồng phục tại một nơi quy định.
Đó là một trong những nội dung văn bản của Sở GD-ĐT TP.HCM gửi các đơn vị trực thuộc ngày 15-7.
Không tự ý thay đổi mẫu đồng phục
Theo đó, việc mặc đồng phục của học sinh trong nhà trường phải được thực hiện theo văn bản số 6100 ngày 6-9-2013 của Bộ GD-ĐT.
Cụ thể, “việc may, mặc đồng phục trong nhà trường phổ thông phải được sự đồng ý của hội đồng trường và thống nhất với ban đại diện cha mẹ học sinh. Không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục hằng ngày đến trường. Ở những nơi có điều kiện và ban đại diện cha mẹ học sinh đề nghị thì quy định học sinh mặc đồng phục một buổi/tuần vào ngày phù hợp. Mẫu đồng phục của nhà trường phải đơn giản, phù hợp lứa tuổi, ổn định, dễ tìm mua hoặc may. Tuyệt đối, không tự ý thay đổi mẫu đồng phục, nếu có thay đổi cần báo trước, được sự đồng thuận của phụ huynh trong trường; không bắt buộc học sinh may đồng phục mới vào đầu năm học…”.
Văn bản trên của sở cũng nhắc nhở các trường không thu dồn nhiều khoản vào đầu năm học, tránh gây áp lực tài chính lên phụ huynh, học sinh.
Không tổ chức khảo sát đầu năm học
Theo văn bản hướng dẫn về hoạt động giáo dục trung học đầu năm học 2016-2017 của Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường không được tổ chức dạy thêm học thêm trái quy định; không tổ chức dạy học, bồi dưỡng, phụ đạo học sinh đầu cấp trước ngày tựu trường. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng không được tổ chức thi (hoặc kiểm tra, khảo sát…) ở bất kỳ khối lớp nào để xếp lớp cho học sinh khi chuẩn bị vào năm học.
Văn bản trên cũng nêu rõ: Nhà trường công lập và ngoài công lập lên kế hoạch dạy học và thực hiện chương trình theo đúng khung thời gian quy định của năm học để không dạy dồn, dạy trước chương trình hoặc không kết thúc chương trình dạy học trước thời gian quy định.
Cũng theo văn bản trên, các trường THPT chuyên và trường THPT có lớp chuyên không sắp xếp học sinh các lớp không chuyên vào học tập trung theo biên chế lớp với học sinh chuyên. Trường hợp học sinh chuyên quá ít phải học ghép với lớp không chuyên thì phải được sự đồng ý của Sở GD-ĐT TP.
13 Bình luận. Leave new
Nên duy trì đồng phục cho tất cả học sinh phổ thông trên toàn quốc.
Mẫu giống nhau cho cùng giới tính theo mùa thời tiết; đường cắt may phải đơn giản, có nhiều số đo để có thể chọn được cỡ vừa nhất với từng cá nhân và giống nhau cho cùng giới tính. Đặc trưng của trường bố trí ở bảng tên may liền trên đồng phục chỉ gồm tên, logo và số điện thọai của trường, không phân biệt cấp lớp, tên học sinh.
Bảng tên, trưòng có thể đặt sản xuất và phân phối cho học sinh, không phân biệt lớp.
Đồng phục có tác dụng nhắc nhở lứa tuổi học trò sự giản dị, bình đẳng, không phô trương, không đua đòi, gìn giữ bổn phận quan trọng nhất là học tập.
Đồng phục là tín hiệu để toàn xã hội sẵn sàng giúp đỡ và bảo đảm quyền lợi cho lứa tuổi học trò.
Đồng phục theo những mẫu, số đo, nguyên liệu,… do một cơ quan quản lí (có thể là Bộ GD&ĐT, Bộ Y Tế, Bộ VHTT&DL, …), công bố sau khi thống nhất với nhau sẽ được các cơ sở may sản xuất theo đơn hàng của các cơ sở thương mại, học sinh có thể thử và mua khi nào cần và có thể.
Bộ đồng phục đơn giản và đồng nhất toàn quốc cũng sẽ tránh được những thiết kế rườm rà (để tránh đụng hàng), sự lạm dụng kinh tế của nhà trường, giảm gánh nặng phiền hà cho phụ huynh.
Ở quê tôi học sinh cấp ba nhà trường không bắt buộc phải mặc áo dài mà chỉ bắt buộc phải mặc đồng phục áo trắng quần xanh. Rất tiện lợi và thong thả cho các bạn gái
Đồng phục HS nên thống nhất chung: áo sơ mi trắng (áo dài trắng) quần xanh đen, đơn giản không kiểu cọ cầu kỳ, chỉ có phù hiệu, logo là đặc trưng riêng cho từng trường.
Không mặc đồng phục thì khó quản lý học sinh lắm. Nhất là học sinh hay vào tiệm net, thậm chí vào nhà trọ cũng không chừng.
Học sinh học ở trường thì phải mặc đồng phục , còn người đi ra chợ mua đồ hay đi dạo thì mặc quần áo gì cũng được , trường học là nơi đào tạo uốn nắn cho con người có cuộc sống tử tế và tốt đẹp cho xã hội . Tôi khuyên các bạn chịu khó chút chút đi , để về sau mình sẻ trở thành người thật tốt để cho gia đình và xã hội có tuyệt vời.
Không đồng phục,nhìn vào là biết nhà em nào giàu hay nghèo liền,mất đi tính hòa đồng.Lớp học sẽ láo nháo như nhà trẻ.
Tuỳ vùng miền và điều kiện kinh tế chứ! Còn những nơi vùng sâu vùng xa trường lớp tranh tre tạm bợ, đi học phải treo đeo lội suối… Thì đồng phục có tác dụng gì!?
Một số quốc gia trên thế giới chủ trương không bắt học sinh mặc đồng phục, với một triết lý rõ ràng: để cho học sinh bước vào trường như một nơi gần gũi, thân thiện, chứ không phải như một thể chế.
Khi thì quá tả, khi lại cực hữu trong chuyện đồng phục. Học sinh thì phải có quần áo học sinh như từ xưa đến nay, vấn đề là đừng có kiểu cách, biến tướng thành mẫu mã riêng, màu mè riêng, của trường này trường nọ, thậm chí thành cơ hội để hiệu trưởng trường thu lợi.
Việc mặc đồng phục nhất thiết phải thực hiện vì đó là một nội dung giáo dục tính kỷ luật cho HS. Vấn đề là đồng phục phải được chọn sao cho đơn giản đặc trưng cho lứa tuổi học trò, truyền thống dân tộc, dễ mua sắm, giá cả phải chăng, dùng được cho tất cả HS, chỉ khác phù hiệu logo riêng cho từng trường và phù hiệu, logo riêng này được làm riêng để HS tự may hoặc ủi vào áo.
Đồng phục cho học sinh nên duy trì, nhưng mẫu đồng phục phải đơn giản, dễ thực hiện, thống nhất trong cả nước để học sinh có hoàn cảnh kinh tế khác nhau đều có thể thực hiện. Hoặc khi học sinh chuyển trường, hay chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác không phải mua sắm đồng phục mới. Rất mong các vị ở tầm vĩ mô quan tâm tới dân nghèo!
Không bắt buộc học sinh mặc đồng phục hằng ngày thì làm sao quản lý học sinh?
Đồng phục cho học sinh thì phải có nhưng đơn giản áo trắng, quần xanh đen hoặc quần đen và gắn phù hiệu của trường, thêu tên học sinh là đủ! Nhiều trường tôi thấy màu mè không cần thiết. Ở TP. HCM, tôi thấy có nhiều trường có đồng phục kỳ thật! Trai gái đều mặc áo màu hồng hoặc màu vàng chóe nhìn chẳng có thẩm mỹ chút nào dù phụ huynh và học sinh có lên tiếng nhưng không thay đổi gì!