TT – 1. Một dạo, tôi bị ám ảnh với mẩu quảng cáo chiếc áo thun T-shirt giá rẻ chỉ 2 euro được bán ở những quầy tự động tại châu Âu.
Ly cà phê giá rẻ cho mọi người – Ảnh minh họa. |
Trước khi lấy áo, người mua được xem một clip về nạn bóc lột lao động phụ nữ và trẻ em ở Nam Á, để biết số tiền ít ỏi đến kinh khủng từ 2 euro đó được trả cho người lao động.
Điều đó có nghĩa là khi bạn mua một món hàng gì đó với giá hời, đâu đó trong những đất nước phân xưởng của thế giới, có một phụ nữ hay trẻ em đang bị bóc lột với giá rẻ mạt.
Đương nhiên, sau khi xem clip, tất cả đều xúc động mạnh và họ để lại 2 euro cho hoạt động từ thiện chống bóc lột lao động.
Tôi tự hỏi điều gì sẽ khiến chúng ta khựng lại khi nghĩ về những giá trị con người tiềm ẩn, sự bất công, sau một món hàng, thức ăn uống, một dịch vụ du lịch, khi không có những thứ như quầy áo thun 2 euro được dựng lên ở đất nước này.
2. Chúng ta hay uống những ly cà phê 8.000, 20.000 hay 30.000, 70.000 ở vỉa hè hay những quán cà phê nhưng cũng chỉ toàn bắp cháy với hương liệu tạo màu, mùi nhiều độc hại.
Những người bán họ biết bọn tôi cần những ly cà phê giá rẻ trước cổng trường, cơ quan hay những không gian, chỗ ngồi để trò chuyện, và khi đó họ có thể lấy bất cứ nguồn cà phê nào mang lại cho họ lợi nhuận.
Những khi đó tôi thấy thương bố.
Thời điểm khó khăn nhất của nhiều năm trước là lúc giá cà phê hạt lên cao và những nhà sản xuất lớn đánh chiếm từng thị trường nhỏ lẻ nhất với giá cà phê rẻ vượt khung, cùng với tài trợ đủ thể loại từ ly, bạt, đèn, bàn, ghế… đến tiền mở quán, tiền cho nợ.
Bạn hàng của bố bỏ đi hết vì ông không chịu giảm chất lượng cà phê xuống, độn thêm đậu, bắp hay hương liệu để hạ giá thành.
Một bạn hàng của bố bán cà phê mấy chục năm ở bến xe chợ Tuy Hòa, mỗi sáng ông đều mang cà phê ra đó, thỉnh thoảng ngồi uống một mình, hút thuốc.
Ông bảo: “Những người bốc vác, xe thồ, cửu vạn ở bến xe mở mắt ra là đã khổ cực. Họ chỉ có thời gian thảnh thơi nhất là buổi sáng sớm trước khi vào cuộc bươn chải, ngồi uống một ly cà phê ngon, hút điếu thuốc. Làm sao bán thứ tận cùng dở chết cho dân lao động chỉ vì họ mua nó với giá mấy ngàn?”.
Đương nhiên, nhà tôi những năm đó cực kỳ chật vật.
Nhưng tôi học được từ bố một bài học làm người. Bạn làm cái gì, dù là cái nhỏ xíu, cũng ảnh hưởng lên đời sống của rất nhiều con người theo một cách nào đó. Như cách nó đã ảnh hưởng lên tôi – một phiên bản lý tưởng có phần “khùng điên” của bố.
3. Chất lượng không phải chỉ là uy tín hay bộ mặt của một thương hiệu, nó là cách những con người trong tập thể đó sống, suy nghĩ và mong cầu gì đó cho cuộc đời.
Như bài học đầu tiên làm thay đổi con người chị tôi sau một thời gian đi làm. Chị làm quảng cáo một thương hiệu mì, có một chiến dịch mà ý tưởng quảng cáo không hay, không tự thu hút được nhiều khách hàng khiến áp lực bán hàng đổ lên vai nhân viên bán hàng rất lớn.
Một hôm, cả công ty nhận được tin một nhân viên bán hàng ở Tây nguyên chết vì tai nạn trên đường khi cố gắng đi bán hàng vào ngày chủ nhật cho kịp chỉ tiêu. Chị tôi về kể mà rớt nước mắt.
Chị nói sau này sẽ không bao giờ hời hợt cho bất cứ một ý tưởng nào. Về sau, những dự án thành công, mì cho người nghèo, lồng đèn cho trẻ con nông thôn, mỗi khi về kể chị đều háo hức vui mừng vì mình mang được niềm vui gì đó đến cho rất nhiều người.
Vậy đó, những quầy áo thun 2 euro, ly cà phê lao động, hay bài học đắt giá về quảng cáo với tôi là những thứ gieo hạt mầm để thay đổi cách sống và hành động của bất cứ con người nào.
“Chúng ta cần những câu chuyện như thế này biết bao…”. Không ít độc giả đã chia sẻ như thế khi đọc bài viết này của Nguyễn Thanh Tâm được cô post trên trang Facebook cá nhân gần đây. Tuổi Trẻ trích giới thiệu. |