TTO – Hồi tôi còn nhỏ, khoảng 5, 6 tuổi, mỗi lần dẫn tôi đi chợ Bến Thành mua sắm tết, mẹ đều mua cho mỗi người một bộ đồ in hình sọc đứng, đủ màu.
Năm nào ngoại cũng làm thật nhiều chả giò để con cháu về ăn chung… Ảnh minh họa |
TTO – Hồi tôi còn nhỏ, khoảng 5, 6 tuổi, mỗi lần dẫn tôi đi chợ Bến Thành mua sắm tết, mẹ đều mua cho mỗi người một bộ đồ in hình sọc đứng, đủ màu.
Tôi ghét lắm, ai mà tết nhất chỉ có mỗi bộ đồ sọc, kỳ ghê đi. Càng lớn, tôi càng ghét cái bộ đồ “đồng phục sọc” ấy mỗi khi mẹ dẫn về chúc tết ông bà ngoại. Tôi thấy ngoài đường người ta cứ nhìn gia đình tôi, cười cười mắc cỡ muốn chết.
Nhưng rồi thời gian thoi đưa, tôi đã hiểu và yêu thích truyền thống mặc đồ sọc đồng phục ấy vào ngày tết. Bởi vì…
Một mùa xuân rất xa rồi, lúc đó ông bà ngoại tôi đều là “bần cố nông” chính hiệu. Vừa mới sinh mẹ tôi xong thì trong nhà trống huơ trống hoác không có một thứ gì là đáng giá để cầm cố nữa. Xuân gõ cửa mọi nhà, trừ nhà ông bà ngoại tôi. Ông ngoại tôi cố làm thuê làm mướn suốt ngày suốt đêm, không kể cơn bệnh suyễn đang hành hạ chỉ mong kiếm chút tiền mua gạo nấu cháo cho bà ngoại tôi ăn. Trưa 30 tết chủ mới trả công. Ông ngoại cầm những đồng tiền quí giá đó mang ra chợ mua đồ tết.
Ông lóng nga lóng ngóng, chẳng biết lựa chọn gì. Mãi cũng mua được ít thịt để cuộn mấy cuốn chả giò, là món mà bà ngoại tôi thích ăn nhất. Thế mà khi ông đưa tiền thì bà chủ giấu biến vào túi rồi nói chưa đưa. Ông đã thanh minh, năn nỉ… Nhưng đáp lại chỉ là cái bĩu môi đầy khinh bỉ của bà chủ: “Quân ăn mày như mi làm gì có tiền mà sắm tết. Định đến đây gạt bà mày à? Tao cho chó ra cắn chết mi bây giờ”.
Án kêu 1 năm, đúng tết năm sau ông ngoại về. Không còn bộ quần áo lành lặn để mặc, ngoại đành mang chiếc áo tù nhiều sọc ùa về thăm vợ con. Bà ngoại thương ông nên lấy chiếc áo bà ba trắng mặc hôm đám cưới đem nhuộm đen từng vệt sọc giống của ông để đồng vợ đồng chồng. Năm đó, bà đã làm cho ông một bữa bún chả giò ngon tuyệt.
Ngày tháng trôi, mẹ tôi lớn lên và lập gia đình. Câu chuyện năm xưa khơi lại khi bên nội tôi chê bai nhà ngoại là người tù tội, có tiền án. Ba tôi vì thương mẹ nên vẫn chấp nhận. Để ngoại khỏi mặc cảm, ngày mồng 1 tết, khi dẫn vợ con về thăm, mọi người đều mặc áo sọc.
Những chiếc áo sọc không chỉ đơn giản là trắng và đen mà nó được thay đổi nhiều màu để đẹp hơn. Ngoại cảm nhận được tình yêu thương và lòng hiếu thảo của con cháu nên rất mừng, năm nào cũng làm thật nhiều chả giò để con cháu về ăn chung. Không hiểu sao nhà người ta tết đến thì bánh chưng, dưa hành… còn nhà tôi chỉ cần nghe mùi thơm của cuộn chả giò đang trở mình vàng đều trong chảo dầu đỏ lửa là lòng lâng lâng một ý xuân.
Ba mẹ tôi đều là doanh nhân, càng gần tết việc làm ăn càng bận bịu. Nhưng không năm nào mẹ tôi quên về phụ ngoại cuốn chả giò. Nay tôi đã lớn, mẹ bắt đầu dạy tôi những lời ngoại đã dạy mẹ năm xưa: “Bánh tráng còn khô chưa cuốn được, con thấm một chút xíu nước cho nó đủ mềm. Nước này cũng như nước mắt người phụ nữ, một chút xíu thôi đủ để làm mềm lòng người đàn ông. Nếu thiếu sẽ rất khô khan và nếu thừa sẽ nhão nhoẹt.
Khi bánh tráng đã dẻo mềm rồi, con cho một chút thịt đã được nêm nếm vừa ăn. Đừng nêm lạt quá sẽ không đượm nghĩa vợ chồng, cũng đừng nêm mặn quá sẽ chát đắng như phu thê trở mặt. Con nhớ cho chút củ sắn vào cho thêm ngọt thêm giòn. Dù thịt rất ngon nhưng ăn thịt không sẽ ngán. Phải có rau, gia vị để cuộc sống gia đình khỏi nhàm chán nghe con. Sau đó con hãy cuốn lại. Con đừng cuốn lỏng lẻo quá cuốn chả giò sẽ bời rời không ngon. Giống như vòng tay người vợ quá hời hợt không giữ được chân chồng.
Nhưng cũng chớ nên cuốn quá chặt tay con nhé. Vì làm như vậy khi chiên cuốn chả giò sẽ bị bung ra, bể nát. Người đàn ông nào cũng sợ bị quấn chặt như vậy đấy con ạ. Nhớ vừa tay thôi con nhé. Cuốn xong rồi con hãy đem chiên lên. Con nhớ canh dầu sao cho vừa đủ, lửa vừa nồng không quá nóng quá nguội. Con nhớ phải canh lửa cho thật kỹ, khi thấy dầu quá sôi thì nhỏ lửa, dầu nguội thì tăng lên. Cũng như cuộc sống vợ chồng vậy thôi mà, người này giận thì người kia bớt lời, thế thì suốt đời chẳng thể xa nhau”.
Ôi bao nhiêu chân lý làm người, làm vợ của ngoại chỉ gói gọn trong cuốn chả giò ấy thôi. Chẳng vậy mà ông bà ngoại đã sống bên nhau đến hơn 70 tuổi, để mỗi năm về lại được cháu con đến chúc tết, mừng tuổi trong bộ đồng phục sọc như nhớ lại một thời khốn khó mà biết chắt chiu hơn, yêu thương hơn, trân trọng hơn cuộc sống ấm êm hạnh phúc ngày nay.